Tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017, thay thế cho Luật TNBTCNN năm 2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Qua 5 năm triển khai thi hành, Luật đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ, tạo thuận lợi cho việc giải quyết bồi thường, bảo đảm tốt hơn quyền của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn một số điểm cần được nghiên cứu và sớm sửa đổi để nâng cao hơn nữa công tác này trong thời gian tới. Cụ thể là các quy định về cử người giải quyết bồi thường, về địa điểm tổ chức buổi thương lượng.
Về người giải quyết bồi thường
Khoản 3 điều 43 Luật TNBTCNN quy định về việc cử người giải quyết bồi thường được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải cử người giải quyết bồi thường;
b) Người giải quyết bồi thường là người có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành, lĩnh vực phát sinh yêu cầu bồi thường; không được là người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ việc hoặc là người thân thích theo quy định của Bộ luật Dân sự của người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.
Quy định trên của Luật nhằm đảm bảo kết quả giải quyết bồi thường phải tuân thủ đúng thủ tục; các thiệt hại và mức thiệt hại được tính đúng, tính đủ; quá trình giải quyết được thực hiện một cách khách quan, vô tư theo đúng quy định pháp luật. Qua đó, đề cao tính thượng tôn pháp luật, làm tăng niềm tin của người dân, xã hội vào cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan giải quyết bồi thường nói riêng.
Tuy vậy, khi áp dụng vào thực tiễn đã tồn tại 2 quan điểm khác nhau về quy định trên. Quan điểm thứ nhất cho rằng, quy định của Luật TNBTCNN được hiểu người giải quyết bồi thường chỉ là một cá nhân. Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường là phải xem xét, cân nhắc lựa chọn công chức có đủ các tiêu chuẩn Luật định thuộc đơn vị mình để cử làm người giải quyết bồi thường. Quy định như vậy nhằm cá thể hóa trách nhiệm của công chức được giao nhiệm vụ giải quyết bồi thường. Theo quan điểm thứ hai, Luật TNBTCNN chỉ quy định về tiêu chuẩn của người giải quyết bồi thường, không quy định “cứng” người giải quyết bồi thường chỉ là một người. Mặt khác, giải quyết bồi thường nhà nước là công tác phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi điều chỉnh rộng và thời gian giải quyết được quy định rất nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, hầu hết cơ quan giải quyết bồi thường chưa từng giải quyết vụ việc tương tự, do vậy trong cơ quan không có công chức có kinh nghiệm về công tác này. Vì thế, tuy hội đủ các điều kiện theo quy định của Luật TNBTCNN nhưng công chức được giao thực hiện nhiệm vụ giải quyết bồi thường vẫn là người “mới”, chưa có kinh nghiệm giải quyết vụ việc tương tự, và kết quả giải quyết bồi thường rất có thể xảy ra tình trạng chậm trễ so với thời gian luật quy định; gây tốn kém về kinh phí, thời gian, và có thể gây ra tâm lý ức chế cho người yêu cầu bồi thường, làm giảm niềm tin của người dân, xã hội vào pháp luật. Do vậy, việc thành lập tổ giải quyết bồi thường là cần thiết, nhằm huy động được tối đa trí tuệ tập thể để giải quyết rốt ráo vụ việc, đồng thời khắc phục hạn chế mà cá nhân có thể mắc phải trong quá trình giải quyết bồi thường.
Thiết nghĩ, để có cách hiểu đúng quy định tại khoản 3 điều 43 Luật TNBTCNN, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để việc áp dụng các quy định pháp luật được thực hiện một cách chính xác và thống nhất.
Về thỏa thuận địa điểm thương lượng
Khoản 4 điều 46 quy định việc thương lượng được thực hiện tại một trong các địa điểm sau đây:
a) Trường hợp người yêu cầu bồi thường là cá nhân thì địa điểm thương lượng là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu bồi thường cư trú, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
b) Trường hợp người yêu cầu bồi thường là tổ chức thì địa điểm thương lượng là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Theo quy định trên, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã là địa điểm diễn ra buổi thương lượng giữa người yêu cầu bồi thường thiệt hại (cá nhân hoặc pháp nhân) và đại diện cơ quan giải quyết bồi thường, nếu không có thỏa thuận khác. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người bị thiệt hại (cá nhân, pháp nhân bị oan sai) có tâm lý khách quan, thân thiện và phần nào khắc phục, giải tỏa được những “hàm oan” về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu lâu nay; từ đó, người bị thiệt hại có vị thế bình đẳng, mạnh dạn đưa ra yêu cầu và bảo vệ những quyền lợi chính đáng, hợp pháp tại buổi thương lượng…Quy định của Luật TNBTCNN rất tiến bộ, đáp ứng nguyện vọng của người bị thiệt hại nhưng việc triển khai trong thực tiễn chưa được nhưng kỳ vọng.
Luật quy định “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” thì địa điểm thương lượng có thể thay đổi, không bắt buộc là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người yêu cầu bồi thường là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở của người yêu cầu bồi thường là tổ chức. Nhưng “thỏa thuận khác” có nội dung, hình thức … như thế nào thì Luật TNBTCNN và văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định; do đó, trong thực tế, buổi thương lượng thường được tổ chức tại trụ sở cơ quan giải quyết bồi thường. Và như thế, vô hình chung, những quy định tiến bộ, ưu việt của Luật TNBTCNN đã bị làm “vô hiệu” khi áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn cụ thể quy định về “thỏa thuận khác” tại khoản 4 điều 46 Luật TNBTCNN để quá trình triển khai thực hiện không xảy ra tình trạng có nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau.
Trên đây là một số vấn đề của Luật TNBTCNN năm 2017 cần sớm sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng vào thực tiễn được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trọn vẹn và đặc biệt là chỉ có một cách hiểu. Tác giả rất mong sự trao đổi, góp ý của bạn đọc về bài viết.
Nguồn moj.gov.vn/Đ.H